Tại sao phải quan trắc môi trường

“Quan trắc môi trường là việc theo dõi thường xuyên chất lượng môi trường với các trọng tâm, trọng điểm hợp lý nhằm phục vụ các hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”.
Các mục tiêu cụ thể của quan trắc môi trường gồm:

– Cung cấp các đánh giá về diễn biến chất lượng môi trường trên quy mô quốc gia, phục vụ việc xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường.
– Cung cấp các đánh giá về diễn biến chất lượng môi trường của từng vùng trọng điểm được quan trắc để phục vụ các yêu cầu tức thời của các cấp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
– Cảnh báo kịp thời các diễn biến bất thường hay các nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường.
– Xây dựng cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường phục vụ việc lưu trữ, cung cấp và trao đổi thông tin trong phạm vi quốc gia và quốc tế.

Quan trắc môi trường là một công việc bắt buộc đối với các doanh nghiệp để có thể lập được báo cáo tình trạng môi trường nộp cho những cơ quan quản lý môi trường.

Theo luật bảo vệ môi trường 2014 thì tùy quy mô, cơ cấu hoạt động và mức độ ảnh hưởng đến môi trường của những đơn vị, doanh nghiệp, nhà máy sản xuất đến môi trường hay những ngành nghề khác nhau, mức độ, tần suất hoạt động của ngành nghề đến môi trường khác nhau thì mức độ quan trắc cũng khác nhau: ví dụ như quan trắc môi trường đất, môi trường không khí, môi trường nước, tiếng ồn, độ rung… Mỗi quá trình quan trắc đều đòi những yêu cầu nhất định như trình tự, quy trình, giấy tờ và những kĩ thuật trắc quan để có thể đạt được kết quả tốt nhất, khách quan nhất trong nội dung báo cáo mà các đơn vị, doanh nghiệp đã kí kết với những cơ quan quản lý môi trường.
Quan trắc môi trường bao gồm một số việc như theo dõi số lượng, diến biến, thực trạng của các nguồn tác động tiêu cực của đơn vị đến môi trường; đo đạc, phân tích định kì các thông số liên quan đến môi trường; hoặc theo dõi thực trạng các yêu tố liên quan đến môi trường như đất, nước, sỏi, đá, nước ngầm, mặt nước… nơi hoạt động của đơn vị đó…

Theo thông tư 31/2016/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới được Bộ TN&MT ban hành có Chương VI nêu rõ các quy định về việc quan trắc phát thải của các đối tượng.
Theo đó, yêu cầu các đối tượng phải thực hiện quan trắc nước thải, khí thải phát sinh từ quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tần suất tối thiểu như sau: cơ sở có quy mô tương đương đối với đối tượng quy định tại Phụ lục II Nghị định số 18/2015/NĐ-CP thực hiện quan trắc 01 lần/ 03 tháng; cơ sở có quy mô tương đương với đối tượng quy định tại Phụ lục 5.1 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT thực hiện quan trắc 01 lần/ 06 tháng; cơ sở có quy mô tương đương với đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 32 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT thực hiện quan trắc 01 lần/01 năm.
Đối với các đối tượng đã có hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục chỉ cần thực hiện quan trắc nước thải, khí thải định kỳ theo quy định đối với các thông số chưa được quan trắc tự động, liên tục.
Cơ sở thuộc đối tượng quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP thì không phải thực hiện quan trắc phát thải.
Về quan trắc nước thải tự động, các thông số quan trắc bao gồm: lưu lượng nước thải đầu vào và đầu ra, pH, nhiệt độ, COD, TSS và các thông số đặc trưng theo loại hình (trong trường hợp có công nghệ, thiết bị quan trắc tự động phù hợp trên thị trường) theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết. Hệ thống quan trắc nước thải tự động phải bao gồm thiết bị lấy mẫu tự động được niêm phong và quản lý bởi Sở Tài nguyên và Môi trường; phải lắp đặt thiết bị camera được kết nối internet để giám sát cửa xả của hệ thống xử lý nước thải và lưu giữ hình ảnh trong vòng 03 tháng gần nhất.
Về quan trắc khí thải tự động, các thông số quan trắc được quy định tại Phụ lục 11 ban hành kèm theo Thông tư. Trường hợp cơ sở có nhiều nguồn thải khí thải công nghiệp thuộc danh mục quy định tại Phụ lục 11 ban hành kèm theo Thông tư, chủ cơ sở phải quan trắc tự động, liên tục tất cả các nguồn thải khí thải này.
Hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục phải hoạt động ổn định, được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định và phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật kết nối để truyền dữ liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ban quản lý khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, chủ cơ sở:
(1) phải lưu giữ kết quả quan trắc môi trường tự động dưới dạng tệp điện tử; bản gốc báo cáo kết quả quan trắc định kỳ, bản gốc phiếu trả kết quả phân tích trong thời gian tối thiểu 03 năm;
(2) có trách nhiệm gửi báo cáo và kết quả quan trắc môi trường theo quy định;
(3) phải công bố kết quả quan trắc môi trường định kỳ trên trang thông tin điện tử của cơ sở (nếu có) nếu thuộc đối tượng thực hiện quan trắc phát thải tự động.