BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG NẠO VÉT KÊNH MÂY PHỐP NGÃ HẬU

NỘI DUNG THỰC HIỆN DỰ ÁN

1.1.1.        Mục tiêu của dự án

Nạo vét kênh Mây Phốp – Ngã Hậu cùng với các kênh Cái Cá – Mây Tức, rạch Ngã Chánh kênh Trà Ngoa và các kênh khác gồm các chi lưu của sông Hậu như Bông Bót, Rùm Sóc, Mỹ Văn… với mục tiêu:

  • Cấp ngọt bổ sung cho 30.000ha đất canh tác nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản thuộc khu vực phía đông kênh Trà Ngoa và đông kênh 3/2 (gồm các huyện Càng Long, Cầu Kè, Châu Thành, tỉnh Trà Vinh và một phần huyện Vũng Liêm tỉnh Vĩnh Long);
  • Tiêu úng, thau chua, rửa phèn, đẩy mặn cho 160.680ha đất tự nhiên thuộc tỉnh Trà Vinh và 6.000ha đất canh tác lúa và 1.461ha đất trồng cây ăn trái của huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long;
  • Cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng, góp phần cải tạo môi sinh;
  • Kết hợp phát triển giao thông thủy, bộ.

1.1.2.     Khối lượng và quy mô các hạng mục công trình của dự án

1.1.2.1.           Phân cấp công trình

Căn cứ quyết định số 2906/QĐ-BNN-XD ngày 04/7/2017 về việc phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình Nạo vét kênh Mây Phốp – Ngã Hậu tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, cấp công trình là cấp III, với tần suất thiết kế:

  • Tần suất bảo đảm tưới: P = 75%
  • Tần suất đảo đảm tiêu: mưa trong đồng P = 10%

1.1.2.2.         Khối lượng và quy mô dự án

Dự án đầu tư được lập vào năm 2008-2009 và đã được Bộ NN&PTNT thẩm định phê duyệt. Đến nay, Chủ dự án và đơn vị tư vấn rà soát lại dự án và cập nhật các nội dung để phù hợp với quy hoạch của địa phương và tối ưu các giải pháp thiết kế dẫn đến một số nội dung Dự án phải điều chỉnh. Các hạng mục chính của dự án như: Nạo vét kênh, xây dựng cầu, cống cơ bản không thay đổi và không làm thay đổi nhiệm vụ, mục tiêu của dự án. Khối lượng và quy mô các hạng mục điều chỉnh bổ sung như sau:

  • Bổ sung hạng mục cầu Trung An, cầu Lo Co (thay thế cầu cũ đã xuống cấp);
  • Điều chuyển 04 cầu đền bù (H1,5) sang xây dựng hoàn trả cầu giao thông nông thôn với quy mô 0,5HL93, bổ sung 02 cầu đền bù H1,5;
  • Điều chỉnh chiều dài tuyến kênh Mây Phốp & kênh Sầy Đồn từ 9.062m thành 9.313m;
  • Điều chỉnh hệ số taluy mái kênh từ m=2,0 thành m=1,5;
  • Điều chỉnh chiều dài trải cấp phối cho đê bao 2 bên bờ (đoạn từ K0 đến K3+003);
  • Điều chỉnh biện pháp thi công kênh từ xáng cạp kết hợp xáng thổi thành thi công kênh bằng xáng cạp (chỉ sử dụng xáng cạp cho đoạn K3+003 ÷ K9+313);
  • Bổ sung 02 cống: 01 cống bọng D120 (cống Hai Tân) tại K2+435, 01 cống hở khẩu độ 2,5m (cống Nhà Tròn) K6+410 (phía bờ trái);
  • Hủy hạng mục Nạo vét kênh Lộ Quẹo.

(Lý do điều chỉnh, bổ sung thiết kế cơ sở được đính kèm tại phụ lục 6 của báo cáo)

Như vậy, theo báo cáo thuyết minh dự án đầu tư cập nhật, khối lượng thi công chính của các hạng mục công trình thuộc Dự án như sau:

  • Đầu tư nạo vét kênh Mây Phốp – Ngã Hậu và 01 đoạn kênh Mây Phốp (từ ngã ba Mây Phốp – Sầy Đồn), bao gồm:
  • Tuyến Mây Phốp – Ngã Hậu (từ sông Vũng Liêm theo tuyến kênh cũ Mây Phốp – Sầy Đồn – Mây Tức – Ngã Hậu, kết thúc tại kênh Trà Ngoa): tổng chiều dài nạo vét 24,54km.
  • 01 đoạn kênh Mây Phốp (từ ngã ba Mây Phốp – Sầy Đồn): tổng chiều dài nạo vét 260m.
  • Xây dựng các cầu và trả lại các cầu, cống trên kênh bị ảnh hưởng khi nạo vét kênh:
  • Tổng số có 11 cầu: 02 cầu HL93, 08 cầu 0.5HL93 và 01 cầu 0.65HL93).
  • Tổng số có 27 cống: 8 cống hở (07 cống có khẩu diện B = 2,5m, 01 cống có khẩu diện B = 5,0m), 27 cống tròn (đường kính Ø60 ÷ Ø120).
  • Xây dựng tuyến bờ kênh kết hợp đê bao: Rải đá cấp phối suốt tuyến đê bao 02 bờ từ K3+003 ÷ K9+313.

ĐÁNH GIÁ, DỰ BÁO TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CỦA DỰ ÁN

 

Việc đánh giá tác động môi trường do hoạt động của Dự án Nạo vét kênh Mây Phốp – Ngã Hậu tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh trong giai đoạn chuẩn bị, triển khai thi công các hạng mục và giai đoạn hoàn thành đưa vào sử dụng, nhằm định tính và định lượng các tác động có thể gây ra tới môi trường và sức khoẻ con người trong quá trình thực hiện dự án, đồng thời trên cơ sở đó, đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực một cách  thích hợp cho loại hình dự án này.

Đánh giá tác động môi trường của Dự án được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn thi công xây dựng và giai đoạn vận hành dự án.

  • Nhận diện các tác động tích cực

Việc thực hiện Dự án sẽ nâng cao những tác động tích cực lên điều kiện sống, điều kiện môi trường và các dịch vụ hạ tầng trong khu vực dự án. Các tác động tích cực chính của dự án như sau:

  • Hệ thống kênh Mây Phốp – Ngã Hậu được nạo vét, mở rộng sẽ tăng lượng nước ngọt được chuyển tải vào khu vực góp phần cấp ngọt bổ sung cho 30.000 ha đất nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản; Tiêu úng, thau chua, rửa phèn, đẩy mặn cho 160.680ha tỉnh Trà Vinh và 7.461ha đất tỉnh Vĩnh Long;
  • Hệ thống bờ bao và các công trình đầu kênh cấp 2 được xây dựng sẽ có điều kiện chủ động kiểm soát lũ tăng khả năng tiêu thoát và cấp nước tưới, sẽ đem lại nhiều hiệu quả trong sản xuất, kinh tế xã hội, cụ thể là:
  • Giảm được các thiệt hại do lũ gây ra;
  • Tạo chế độ nước thích hợp, chủ động lấy phù sa và vệ sinh đồng ruộng, làm tiền đề cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao;
  • Phát triển thủy lợi trên cơ sở lợi dụng tổng hợp, sẽ tạo tiền đề cho phát triển giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhờ vậy cải thiện được điều kiện sống và vệ sinh môi trường, tạo công ăn việc làm nâng cao mức sống của người lao động trong vùng dự án.
  • Cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng;
  • Cải tạo cảnh quan môi trường, tạo ra những biến đổi tích cực đối với điều kiện vi khí hậu trong khu vực.
  • Cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, giảm nguy cơ ùn tắc giao thông, giảm chi phí giao thông và tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, phát triển sản xuất, dịch vụ, thương mại cho thành phố và các địa phương lân cận.
  • Những tác động tiêu cực

Báo cáo đánh giá tác động môi trường có sử dụng bảng ma trận tác động để sàng lọc các tác động theo thể loại riêng (vật lý, sinh học, xã hội…) và theo đặc điểm của các hạng mục công trình. Các tác động này sẽ được xác định mức độ quy định như sau (Bảng 3‑1):

  • Không (N) – không có tác động;
  • Thấp (L) – công trình nhỏ, tác động nhỏ, địa phương, đảo ngược, tạm thời;
  • Trung bình (M) – các công trình nhỏ ở các khu vực đô thị / nhạy cảm, quy mô trung bình với tác động vừa phải, đảo ngược, địa phương, tạm thời;
  • Cao (H) – công trình quy mô ở khu vực thành thị / nhạy cảm, các công trình quy mô lớn có ảnh hưởng đáng kể (xã hội và / hoặc môi trường), không thể đảo ngược và phải bồi thường.

Bảng 3‑1: Sàng lọc sơ bộ mức độ tác động tiêu cực của việc thực hiện dự án

Giai đoạn Vật lý Sinh học Xã hội Khác
Không khí, tiếng ồn, rung động Đất, nước Chất thải rắn, bùn nạo vét Rừng, hệ sinh thái tự nhiên Cá, thủy sinh Thu hồi đất, tái định cư Dân tộc bản địa Tài nguyên văn hóa vật thể Sinh kế, xáo trộn đến cộng đồng dân cư Ngập lụt cục bộ, giao thông, an toàn Tác động bên ngoài khu  vực dự án
Nạo vét hệ thống kênh Mây Phốp – Ngã Hậu: tổng chiều dài toàn tuyến là 24,54km, ngoài ra có nạo vét bổ sung đoạn đầu tuyến Mây Phốp với chiều dài 260m.
Chuẩn bị N N N N N L N N L L N
Xây dựng M M M N M N N N L L L
Hoạt động N N N N N N N N N N N
Xây dựng cầu, cống: Bao gồm 11 cầu, 8 cống hở và 27 cống tròn
Chuẩn bị L L L N N M N N L L N
Xây dựng M M M N L N N N M L L
Hoạt động L L N N N N N N N L L
Xây dựng đường bao: Trải đá cấp phối 02 bờ từ K3+303 đến K9+313.
Chuẩn bị L L L N N M N N L L N
Xây dựng M L N N N N N N M L L
Hoạt động L N N N N N N N N N L

Nhìn chung, tất cả các hoạt động của dự án đều liên quan các công trình xây dựng quy mô vừa và nhỏ, trong đó đa số các tác động môi trường tiêu cực là tạm thời, cục bộ và có thể giảm thiểu được thông qua việc áp dụng các biện pháp quản lý xây dựng và công nghệ phù hợp. Tuy nhiên loại và tính chất của tác động phụ thuộc tính chất và quy mô của hoạt động, vị trí, điều kiện môi trường và xã hội, thói quen của con người và các yếu tố về thời gian.

 

KẾT LUẬN

Dự án Nạo vét kênh Mây Phốp – Ngã Hậu tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh khi hoàn thành sẽ tăng lượng nước ngọt được chuyển tải vào khu vực, đặc biệt là tỉnh Trà Vinh được cấp thêm lượng nước ngọt đáng kể phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh họat. Hệ thống bờ bao và các công trình đầu kênh cấp 2 được xây dựng sẽ có điều kiện chủ động kiểm sóat lũ tăng khả năng tiêu thóat, và cấp nước tưới, đem lại nhiều hiệu quả trong sản xuất, kinh tế xã hội, cụ thể là: (i) Giảm được các thiệt hại do lũ gây ra; (ii) Tạo chế độ nước thích hợp, chủ động lấy phù sa và vệ sinh đồng ruộng, làm tiền đề cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. (iii) Phát triển thủy lợi trên cơ sở lợi dụng tổng hợp, sẽ tạo tiền đề cho phát triển giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhờ vậy cải thiện được điều kiện sống và vệ sinh môi trường, tạo công ăn việc làm nâng cao mức sống của người lao động trong vùng dự án. Đây là dự án có tính khả thi và hiệu quả kinh tế – xã hội cao phù hợp với chủ trương đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của Nhà nước Việt Nam nói chung và 2 tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long nói riêng.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án về cơ bản đã nhận dạng và định lượng được hầu hết các nguồn thải; đề ra các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường có tính thực tế và khả thi cao, đảm bảo xử lý các nguồn thải hiệu quả. Báo cáo đã xây dựng được chương trình quản lý và giám sát môi trường cho từng giai đoạn của dự án và chú trọng đặc biệt các sự cố môi trường, trong suốt quá trình thi công và vận hành dự án.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cho thấy rõ một số vấn đề phải được kiểm soát chặt chẽ trong quá trình hoạt động với tính chất đặc thù như sau:

  • Đảm bảo bồi thường và hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ bị ảnh hưởng hợp lý theo các chính sách bồi thường hiện hành của Nhà nước và của tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh.
  • Chất thải sinh hoạt và chất rắn xây dựng được tập kết, thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định hiện hành;
  • Kiểm soát chặt chẽ các dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường từ việc kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm và môi trường xung quanh;
  • Đảo bảo các tiêu chí về an toàn lao động và vệ sinh môi trường;
  • Đảm bảo an toàn giao thông khu vực.

Kế hoạch quản lý môi trường sẽ được thực hiện nghiêm túc bởi Chủ dự án. Mục tiêu của kế hoạch quản lý môi trường là: Quản lý chặt chẽ và hạn chế sự thay đổi môi trường theo chiều hướng xấu; phát huy tối đa những tác động tích cực của dự án.

Với sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật hiện hành về môi trường và các đề xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong báo cáo ĐTM này, chắc chắn dự án sẽ hoạt động tốt, đem lại hiệu quả tích cực về kinh tế – xã hội – môi trường.