KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG TÁI ĐỊNH CƯ – TIỂU DỰ ÁN: ĐƯỜNG CỨU HỘ,CỨU NẠN THUỘC HUYỆN ĐÔ LƯƠNG, TỈNH NGHỆ AN

Dự án: Quản lý thiên tai WB5/VN-HAZ

GIỚI THIỆU

Tiểu dự án“Đường cứu hộ, cứu nạn thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An” là một trong những tiểu dự án của tỉnh Nghệ An thuộc Hợp phần 4: Hỗ trợ đầu tư giảm thiểu rủi ro thiên tai cho các tiểu dự án (TDA) ưu tiên, trong Dự án Quản lý Thiên tai Việt Nam (VN-Haz/WB5) do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Kế hoạch Quản lý Môi trường (EMP) đươc lập phù hợp với các hướng dẫn và yêu cầu trong tài liệu Khung Quản lý Môi trường Xã hội (Ban Quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi – CPO, 2012), thực hiện đầy đủ các biện pháp sàng lọc để đảm bảo xác định các tác động tiêu cực tiềm tàng, đồng thời đề ra các biện pháp giảm thiểu phù hợp với các chính sách hoạt động OP/BP 4.01 về đánh giá môi trường và OP/BP 4.37 về an toàn đập. Tài liệu EMP này cũng bao gồm bộ quy tắc môi trường (ECOP) chuẩn bị cho TDA của Dự án Quản lý Thiên tai Việt Nam VN-Haz/WB5. Những quy tắc này sẽ được đưa vào các tài liệu đấu thầu, hợp đồng xây dựng và tổ chức thực hiện, phục vụ chương trình giám sát chất lượng môi trường xã hội của khu vực Tiểu dự án.

 

  • Tên Tiểu dự án: “Đường cứu hộ, cứu nạn thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An”
  • Hình thức đầu tư: Nâng cấp, sửa chữa
  • Chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An
  • Đơn vị thực hiện: Ban Quản lý Dự án Đê điều tỉnh Nghệ An
  • Địa điểm thực hiện:

Tiểu Dự án“Đường cứu hộ, cứu nạn thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An” được triển khai qua địa bàn 02 xã thuộc huyện Đô Lương gồm: xã Minh Sơn và xã Thái Sơn. Tuyến công trình kéo dài từ km0+00 tại xóm 2 – xã Thái Sơn, giao đường Khuôn – Trù – Đại tại km0+655,38 và kết thúc tại km5+690,24 giao đường quốc lộ 15 tại cầu Chợ Khởi, thuộc địa phận xóm Bình Minh – xã Minh Sơn.

Mục tiêu và nhiệm vụ

Tiểu dự án“Đường cứu hộ, cứu nạn thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An” được thực hiện nhằm mục tiêu góp phần tăng cường năng lực cấp quốc gia, cấp tỉnh và địa phương để phòng chống thiên tai, chuẩn bị và giảm nhẹ thiên tai. Trong đó:

  • Mục tiêu dài hạn bao gồm:
  • Tăng cường khả năng phòng ngừa, ứng phó và giảm nhẹ thiên tai các cấp trong tỉnh; củng cố tính sẵn sàng ứng phó với rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, cải thiện việc dự báo thời tiết và năng lực cảnh báo sớm, giảm nhẹ các tác động tiêu cực của thiên tai cho địa bàn tỉnh đóng góp vào chiến lược quốc gia Việt Nam.
  • Góp phần cải thiện hệ thống Quản lý thiên tai tại Việt Nam theo chiến lược quốc gia, đưa ra những biện pháp nhằm giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu cho Việt Nam. Củng cố năng lực và thể chế quản lý thiên tai để đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngắn hạn và dài hạn của những vùng dễ bị tổn thương nhất để giảm bớt thiệt hại về người, kinh tế và tài chính khi xảy ra thảm hoạ thiên tai.
  • Nâng cao năng lực quản lý của tỉnh và góp phần củng cố năng lực phòng chống thiên tai quốc gia.
  • Mục tiêu ngắn hạn của TDA, gồm có:
  • Giải quyết công tác sơ tán, cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa bão kịp thời và nhanh chóng, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do thiên tai gây ra, bảo vệ tính mạng và tài sản cho 1.009 hộ dân và 548 ha diện tích đất nông nhiệp của hai xã Minh Sơn, Thái Sơn và các xã vùng dưới trước các rủi ro thiên tai;
  • Ngoài ra tiểu dự án sẽ tăng cường khả năng tiếp cận đến các trung tâm chợ và dịch vụ, y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác, giảm thời gian và chi phí vận chuyển hàng hoá nông sản…, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội bền vững của khu vực Tiểu dự án.
  • Tạo tuyến đường vành đai dọc theo sông, cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn phòng tránh thiên tai. Tăng khả năng kết nối giữa hai xã, thông ra các đường lớn, đường huyện và đường quốc lộ 15 nhờ việc giảm thời gian và khoảng cách đi lại.
  • Từng bước cải thiện điều kiện môi trường, tình hình dân sinh kinh tế, xã hội, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các vùng sâu với khu vực thị trấn, thành thị.
  • Tạo nên cảnh quan đẹp, môi trường trong sạch không bị ô nhiễm do lũ lụt khu vực thực hiện Tiểu dự án.
  • Tạo điều kiện ổn định chất lượng cuộc sống của nhân dân trong vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.