KẾ HOẠCH QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG – TIỂU DỰ ÁN: KÈ BẢO VỆ BỜ SÔNG CẢ ĐOẠN QUA XÃ ĐỈNH SƠN – HUYỆN ANH SƠN

Bối cảnh: Từ đầu những năm 90, khu vực thượng lưu sông Cả bị xói lở mạnh, đặc biệt là phần bờ sông đoạn qua xã Đỉnh Sơn, mức độ sạt lở bình quân hàng năm là 20m, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng, tính mạng và tài sản của người dân xã Đỉnh Sơn, đảm bảo nhân dân an tâm sản xuất và phát triển kinh tế, TDA “Kè bảo vệ bờ sông Cả đoạn qua xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn”, thuộc dự án Quản lý thiên tai (WB5/VN-Haz) đã được đề xuất thực hiện.

Mô tả dự án: Dự án bao gồm việc xây dựng 1.665m kè, các công trình trên tuyến và hoàn trả 03 tuyến đường bê tông đã có. Sau khi hoàn thành, tuyến kè sẽ góp phần hạn chế xói lở bờ sông, bảo vệ hàng nghìn người dân sống ven sông Cả, xã Đỉnh Sơn cũng như các công trình hạ tầng đã và đang được xây dựng trong khu vực dự án. Tuyến kè Đỉnh Sơn là một trong những công trình rất quan trọng đã được lựa chọn và xác định trong quy hoạch thuỷ lợi tỉnh Nghệ An.

Tác động môi trường và các biện pháp giảm thiểu: Quá trình triển khai dự án tiềm tàng một số tác động tới môi trường tự nhiên và kinh tế – xã hội của địa phương. Những tác động này mang tính cục bộ, ngắn hạn trong thời gian thi công và đều có thể giảm thiểu được. Tác động tiêu cực chủ yếu gây ra trong các quá trình: (i) Thu hồi đất và giải phóng mặt bẳng, (ii) Thi công xây dựng. TDA không liên quan đến dân tộc thiểu số và các công trình có giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo.

Tác động tiêu cực trong giai đoạn chuẩn bị dự án phát sinh chủ yếu từ quá trình thu hồi đất và đền bù.  Để giảm thiểu các tác động này, thông tin về dự dự án, diện tích chiếm dụng và các khoản đền bù, hỗ trợ người bị ảnh hưởng sẽ được phổ biến công khai, đầy đủ tới chính quyền và người dân địa phương.

Trong giai đoạn thi công xây dựng, các tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và xã hội bao gồm ô nhiễm không khí, nguồn nước, môi trường đất và ảnh hưởng tới tình hình xã hội và giao thông trong khu vực. Tuy nhiên các tác động này chỉ mang tính tạm thời, ảnh hưởng trong phạm vi nhỏ và có thể giảm thiểu bằng cách: (i) Đảm bảo các nhà thầu tuân thủ bộ Quy tắc môi trường thực tiễn (ECOP), (ii) Tham vấn với chính quyền và người dân địa phương từ giai đoạn chuẩn bị dự án và tiếp tục duy trì trong suốt quá trình thi công và vận hành dự án, (iii) Giám sát chặt chẽ của kỹ sư thi công và cán bộ môi trường.

Tài liệu EMP này cũng bao gồm bộ quy tắc môi trường (ECOP) chuẩn bị cho TDA thuộc Dự án Quản lý Thiên tai Việt Nam (WB5/VN-Haz). Những quy tắc này sẽ được đưa vào các tài liệu đấu thầu, hợp đồng xây dựng và tổ chức thực hiện, phục vụ chương trình giám sát chất lượng môi trường xã hội của khu vực dự án

Các hoạt động phải được tiến hành trong dự án: Để giảm thiểu tác động tiêu cực tiềm tàng trong suốt dự án, các biện pháp sau đây cần được tiến hành đầy đủ, dưới sự tham vấn chặt chẽ, liên tục và cởi mở với chính quyền và cộng đồng địa phương, đặc biệt là các hộ gia đình bị ảnh hưởng:

  1. Lồng ghép ECOP vào các điều khoản của hợp đồng và thông báo với nhà thầu.
  2. Thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm thiểu, có quan trắc và chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm mục đích đạt hiệu quả giảm thiểu cao nhất.
  3. Giám sát và theo dõi chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp an toàn để đảm bảo việc thực thi đầy đủ và hiệu quả các biện pháp giảm thiểu trong toàn bộ dự án.
  4. Lên kế hoạch và thực hiện đầy đủ Chương trình tham vấn cộng đồng trong suốt dự án.
  5. Đảm bảo sự vận hành hiệu quả của các cống qua kè và một ngân sách đầy đủ cho hoạt động bảo dưỡng tuyến kè.

Trách nhiệm: Ở cấp Dự án VN-Haz/WB5, Ban Quản lý Dự án Trung ương (CPMO) chịu trách nhiệm giám sát tổng thể các TDA và giám sát tiến độ thực hiện TDA “Kè bảo vệ bờ sông Cả đoạn qua xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn”, bao gồm cả việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường như đề xuất của EMP.

Ở cấp TDA, Ban QLDA ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An có trách nhiệm chuẩn bị thông tin mời thầu chi tiết, lựa chọn nhà thầu hợp lý, soạn thảo hợp đồng đảm bảo thực hiện có hiệu quả và giám sát chặt chẽ EMP của TDA. Nhà thầu chịu trách nhiệm thực thi TDA theo kế hoạch đã đề ra, báo cáo chi tiết định kỳ lên ban QLDA. Ban QLDA chịu trách nhiệm liên kết chặt chẽ với chính quyền địa phương nhằm đảm bảo hiệu quả tham vấn và thúc đẩy hiệu quả các biện pháp giảm thiểu. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An sẽ có trách nhiệm giám sát việc thực hiện các chính sách liên quan đến môi trường theo quy định của Chính phủ Việt Nam.

Phân bổ kinh phí: Dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam, tổng mức đầu tư: 47.013.910.000 VNĐ, trong đó chi phí cho việc thực hiện EMP là 46.125.000 VNĐ bao gồm: (i) chi phí thực hiện các biện pháp giảm thiểu, (ii) chi phí đào tạo an toàn và nâng cao năng lực, (iii) chi phí cho tư vấn quản lý môi trường, và (iv) chi phí quản lý EMP.