ĐỀ ÁN

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CHI TIẾT

tại

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HÀ NỘI

Giới thiệu chung về Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Để đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân, Bệnh viện U Bướu Hà Nội được thành lập ngày 08 tháng 11 năm 2000 theo Quyết định số 99/2000/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội về việc thành lập Bệnh viện U Bướu Hà Nội và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01 tháng 01 năm 2001. Tháng 12 năm 2008, Bệnh viện đổi tên thành bệnh viện Ung Bướu Hà Nội theo Quyết định số 2617/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc đổi tên Bệnh viện U Bướu Hà Nội thuộc Sở Y tế thành Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.

Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội là bệnh viện hạng II chuyên khoa ung thư của thành phố, trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, với chức năng là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành ung bướu của Hà Nội, được Bộ Y tế cho phép tiếp nhận khám chữa bệnh cho các bệnh nhân ung bướu, kể cả bệnh nhân có thẻ BHYT của bệnh viện tuyến cuối trong lĩnh vực điều trị ung thư, nhằm góp phần giảm tải cho tuyến trên. Chính vì vậy, Bệnh viện Ung Bướu đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị các bệnh nhân ung thư của thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Đến nay, Bệnh viện đã hoạt động được 13 năm trong bối cảnh vừa cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị khám chữa bệnh, vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhân ung thư trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội được thành lập từ năm 2000 đến nay vẫn chưa có một trong các giấy tờ theo mục a Khoản 1 Điều 3 của Thông tư 01/2012/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết; lập và đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản. Do vậy, tại thời điểm này, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội cần phải lập Đề án bảo vệ môi trường chi tiết trình cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt.

Việc lập Đề án Bảo vệ môi trường chi tiết cho Bệnh Viện Ung Bướu Hà Nội được Bệnh viện kết hợp với Công ty Cổ phần Tư vấn và Thẩm định môi trường Vinacontrol thực hiện.

KẾ HOẠCH, CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA BỆNH VIỆN

1. Kế hoạch chương trình hành động bảo vệ môi trường của bệnh viện

  • Đối với chất thải rắn: Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đã xây dựng khu lưu trữ rác tạm thời gần khu nhà E, bố trí các xe, thùng đựng rác có nắp đậy kín và được dán nhãn phân biệt đặt tại các khoa, phòng, hành lang và sân của bệnh viện. Hàng ngày, đội ngũ vệ sinh của bệnh viện sẽ thu gom rác từ các khoa phòng đưa về nơi lưu trữ tạm thời trước khi công ty môi trường đến vận chuyển và đưa đi xử lý. Bệnh viện đã có Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp lần đầu năm 2011. Tuy nhiên, hiện nay lượng rác phát sinh tại bệnh viện đã vượt quá số lượng bệnh viện đăng ký trong Sổ chủ nguồn thải. Do vậy, trong thời gian tới Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội sẽ làm thủ tục xin cấp lại Sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại.
  • Đối với chất thải lỏng: Bệnh viện đã xây dựng trạm xử lý nước thải và đưa vào vận hành từ năm 2007 với công suất 600 m3/ngày.đêm, hoạt động theo nguyên lý hợp khối và mô đun. Trong thời gian vận hành trạm, bệnh viện sẽ liên tục kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống trạm xử lý nước thải, đảm bảo chất lượng nước thải sau khi xử lý nằm trong giới hạn quy chuẩn cho phép QCVN 28:2010/BTNMT cột B. Ngoài ra, Bệnh viện cũng xây dựng một bể chứa và 3 bể lưu tại khu nhà E để xử lý nước thải có chứa chất phóng xạ. Tuy nhiên, hiện nay, hàm lượng NH4+ lớn hơn giá trị cho phép. Chính vì vậy trong thời gian tới, sau khi Đề án bảo vệ môi trường chi tiết tại Bệnh viện Ung Bướu được phê duyệt, bệnh viện sẽ thực hiện biện pháp xử lý Nitơ bằng sinh học để đưa hàm lượng NH4+ về giới hạn cho phép.
  • Đối với khí thải: Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đã lắp đặt hệ thống quạt thông gió cưỡng bức, 01 hệ thống điều hòa trung tâm, điều hòa cục bộ…. nhằm hạn chế mùi, tăng khả năng lưu thông không khí từ hoạt động khám chữa bệnh của Bệnh viện. Mặc dù vậy, trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục bổ sung thêm một số quạt công nghiệp và quạt treo tường tại các khu vực chờ khám có lượng bệnh nhân tập trung lớn.
  • Duy trì thực hiện chương trình quan trắc môi trường hàng năm tại bệnh viện với môi trường không khí (tần suất 6 tháng/lần), chất lượng nước thải (tần suất 03 tháng/lần).
  • Giấy phép xả nước thải vào nguồn tiếp nhận: Hiện tại, Bệnh viện chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ làm thủ tục xin cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.
  1. Kế hoạch hoàn thiện các thủ tục pháp lý về BVMT
  • Về việc xin cấp phép xả nước thải vào nguồn nước: Ngay sau khi Đề án bảo vệ môi trường tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội được phê duyệt, Bệnh viện sẽ hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép đăng ký xả nước thải vào nguồn nước trong quý I năm 2014.
  • Về việc đăng ký cấp lại số chủ nguồn thải: Bệnh viện sẽ hoàn thành hồ sơ đăng ký cấp lại số chủ nguồn thải trong vòng 2 tháng (dự kiến tháng 4 năm 2015) ngay sau khi Đề án bảo vệ môi trường chi tiết tại bệnh viện được phê duyệt.
  • Về việc xử lý nước thải sau xử lý có hàm lượng NH4+ cao hơn giá trị cho phép:
  • Biện pháp tạm thời trước mắt: Ngay sau khi Đề án Bảo vệ Môi trường tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội được phê duyệt, bệnh viện sẽ tiến hành áp dụng các biện pháp làm giảm hàm lượng NH4+ trong nước thải như sau:
  • Biện pháp giảm hàm lượng NH4+ trong nước thải sau khi xử lý: Hiện nay, hàm lượng NH4+ sau khi xử lý của Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đang vượt giới hạn cho phép. Chính vì vậy, trong thời gian tới, nhằm giảm hàm lượng NH4+ , Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội sẽ áp dụng phương pháp xử lý nitơ bằng sinh học trong điều kiện hiếu khí (yêu cầu về nhiệt độ: từ 25oC – 30oC, pH = 7-9, DO >4mg/lit). Trong quá trình này, các vi khuẩn đóng vai trò quan trọng hàng đầu vì nó chịu trách nhiệm phân hủy các thành phần hữu cơ trong nước thải. Các vi khuẩn, vi sinh vật (bao gồm nitrobacter, pseudomonas stutzeri…) được sinh ra trong các bể bùn hoạt tính, sau đó tham gia vào quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải. Chúng sử dụng năng lượng lấy từ các phản ứng bên dưới để tự duy trì hoạt động sống và tổng hợp sinh khối . Nitơ trong nước thải được xử lý qua 2 quá trình:
  • Quá trình Nitrat hóa: dưới tác động của vi sinh vật, NH4+ sẽ được chuyển hóa thành NO2 và NO3. Quá trình tạo NO2 gọi là quá trình nitrit hóa, vi khuẩn Nitrosomonas sẽ chuyển hóa NH4+ thành NO2: NH4+ + 3/2O2 -> NO2- + H2O + 2H+. Quá trình tạo thành NO3 gọi là quá trình nitrat hóa, vi khuẩn Nitrobacter tiếp tục chuyển hóa NO2 thành NO3: NO2 + 1/2O2 -> NO3.
  • Quá trình phản nitrat hóa (khử nitrat): Là quá trình chuyển NO3 ->N2 nhờ vi khuẩn pseudomonas stutzeri: NO3 + 6H+ -> ½ N2+ 3H2O.

 

. Bệnh viện dự kiến sẽ thực hiện biện pháp làm giảm hàm lượng NH4+ vào cuối tháng 4 năm 2015.

  • Biện pháp lâu dài:Trong thời gian tới, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đang chuẩn bị tiến hành xây dựng khu điều trị theo yêu cầu tại khu vực để xe của Bệnh viện. Sau khi khu điều trị này được xây dựng, số lượng giường bệnh và bệnh nhân sẽ tăng lên. Từ đó, lượng nước thải phát sinh hàng ngày đưa vào trạm xử lý nước thải tại bệnh viện cũng tăng lên đảm bảo trạm xử lý nước thải hoạt động đủ công suất. Kế hoạch xây dựng và vận hành khu điều trị tạm thời tại bệnh viện Ung Bướu Hà Nội sẽ được trình bày chi tiết trong phần 3 bên dưới.

3. Kế hoạch xây dựng, vận hành thử nghiệm

Hiện nay, trạm xử lý nước thải của Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội hoạt động chưa hết công suất (lượng nước thải hàng ngày đưa vào trạm xử lý nhỏ hơn so với công suất thiết kế của trạm xử lý nước thải) dẫn đến hàm lượng NH4+ trong nước thải sau xử lý vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Trong thời gian tới, để đảm bảo hệ thống xử lý nước thải hoạt động hiệu quả, bệnh viện Ung Bướu Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng thêm một khu điều trị theo yêu cầu tại khu để xe gần nhà A của bệnh viện. Sau khi xây dựng khu điều trị này, lượng nước thải hàng ngày đưa vào trạm xử lý tăng lên đảm bảo trạm hoạt động đủ công suất. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng tiến hành lắp đặt thêm một công trình xử lý sinh học bậc 2 vào bể điều hòa để tăng khả năng sục khí của hệ thống xử lý nước thải.

3.1.Tổng mức đầu tư

Tổng mức đầu tư cho dự án dự kiến là 98.637 triệu đồng (Chín mươi tám tỷ sáu trăm ba bảy triệu đồng). Trong đó, vốn đầu tư được phân bổ cho các hạng mục sau:

STT Hạng mục Chi phí (VND)
1 Chi phí xây dựng 68.000.000.000
2 Chi phí thiết bị công trình 15.000.000.000
3 Chi phí quản lý dự án 1.660.000.000
4 Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng công trình 4.150.000.000
5 Chi phí khác 860.000.000
6 Chi phí dự phòng 8.967.000.000
7 Tổng 98.637.000.000

Nguồn: Tờ trình phê đuyệt dự án “Xây dựng khu điều trị theo yêu cầu – Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội”

3.2. Nội dung đầu tư

Xây dựng khu điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội theo yêu cầu trên cơ sử quy hoạch tổng mặt bằng đã được Sở Quy hoạch kiến trúc phê duyệt, cụ thể như sau:

  • Diện tích xây dựng: 1.350 m2;
  • Diện tích sàn: 8.000 m2;
  • Số giường: 280 giường;

Khu điều trị theo yêu cầu sẽ được bố trí cho các khoa như sau:

  • Khoa xạ trị theo yêu cầu;
  • Khoa hóa chất I theo yêu cầu;
  • Khoa hóa chất II theo yêu cầu;
  • Khoa điều trị giảm nhẹ theo yêu cầu;
  • Khoa quốc tế;
  • Các dịch vụ phụ trợ khác.

3.3.3. Các nội dung đầu tư mua sắm trang thiết bị

Trên cơ sở các trang thiết bị y tế đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đầu tư trong giai đoạn I, bệnh viện sẽ tận dụng để khai thác hết công suất của các thiết bị sẵn có (monitor theo dõi bệnh nhân, bơm tiêm điện, bơm truyền dịch, máy thở…) và chỉ đầu tư hệ thống khí oxy, giường tủ cho người bệnh.

Các thiết bị công trình cho bệnh viện bổ sung thêm như: Trạm biến áp 500KVA, 02 thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy, thông tin liên lạc…

3.3.4. Tiến độ thực hiện dự án

Dự kiến thời gian thực hiện dự án là 8 tháng (từ tháng 7 năm 2015 đến tháng 3 năm 2016) sau khi dự án được phê duyệt.

3.3.5. Kế hoạch vận hành thử nghiệm

Sau khi khu điều trị tạm thời của bệnh viện được hoàn thành, bệnh viện sẽ tiến hành thử nghiệm hoạt động của trạm xử lý nước thải để đánh giá khả năng xử lý nước thải của hệ thống nhằm kịp thời có phương án xử lý phù hợp.

Dự kiến số lần thử nghiệm: 03 lần sau khi hoàn thành quá trình xây dựng hệ thống.

Dự kiến đưa hệ thống xử lý nước thải vào hoạt động quý II năm 2016.

 

 KẾ HOẠCH QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG HẰNG NĂM

1. Kế hoạch quản lý chất thải

Do đặc thù của bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, bệnh viện đã hoạt động trong thời gian dài và ổn định. Hơn nữa, trong thời gian gần đây, bệnh viện Ung Bướu Hà Nội không xây dựng hay mở rộng thêm các hạng mục xây dựng. Do đó, kế hoạch quản lý môi trường trong giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn xây dựng Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội không được đề cập. Trong Đề án này chỉ trình bày Kế hoạch quản lý chất thải của bệnh viện Ung Bướu Hà Nội trong giai đoạn vận hành.

Bảng 4-1: Kế hoạch quản lý chất thải của Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội trong giai đoạn vận hành

Nguồn phát sinh chất thải Loại chất thải và tổng lượng/ lưu lượng Biện pháp quản lý/ xử lý Kinh phí dự kiến hàng năm Thời gian thực hiện Trách nhiệm thực hiện
Khí thải  (i) Khí thải từ quá trình sử dụng các phương tiện ra vào khu vực bệnh viện. – Hệ thống điều hòa, thông gió, quạt trần của bệnh viện.- Nhà bếp lắp đặt 01 quạt thông gió và hệ thống ống khói, phễu thu nhằm giảm tác động của khói bụi trong quá trình đun nấu.

– Nhân viên bệnh viện và bệnh nhân tới khám và điều trị phải thực hiện tắt máy, dắt xe trước khi vào cổng bệnh viện.

– Kinh phí chung của Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đã chi trả theo chi phí hoạt động bệnh viện. Hàng năm Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
(ii) Mùi sinh ra từ khu vực tập kết rác thải, từ hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện. – Trang bị các thùng chứa rác chuyên dụng có nắp đậy kín.- Hệ thống xử lý nước thải các bể được thiết kế kín tránh sinh mùi, được kiểm tra thường xuyên, tránh tắc nghẽn đường ống. Dự kiến kinh phí bảo trì cho hệ thống xử lý nước thải và khu vực chứa rác thải khoảng 20.000.000 đồng/năm 6 tháng 1 lần đối với hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
(iii) Mùi sinh ra trong quá trình khám chữa bệnh, tẩy trùng. – Bố trí công nhân dọn vệ sinh tại các khoa, phòng của bệnh viện.- Trang bị 01 hệ thống điều hòa trung tâm và 200 điều hòa cục bộ, các quạt thông gió, hút ẩm tại các khoa phòng.

– Tại khu vực khám chữa bệnh: Lắp đặt hệ thống quạt trần nhằm pha loãng nồng độ khí thải

– Một phần trong kinh phí hoạt động của bệnh viện.   Hàng ngày/ hàng tuần Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
(iv) Mùi sinh ra từ khu vực nhà ăn của bệnh viện -Thường xuyên vệ sinh, lau dọn các dụng cụ nấu ăn cũng như khu vực nhà ăn của bệnh viện.- Trang bị 01 quạt thông gió và lắp đặt hệ thống đường ống, phễu thu để thu khi thải phát sinh trong quá trình đun nấu. Kinh phí xử lý mùi sinh ra từ khu vực nhà ăn của bệnh viện ước tính 5.000.000 VND/năm Hàng ngày Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Chất thải lỏng – Nước thải bệnh viện70 m3/ngày đêm.

 

– Xử lý nước thải bằng thiết bị hợp khối mô đun (sử dung thiết bị CN-2000) (Gồm chi phí nhân công và chi phí hóa chất, điện năng.)- Nước thải sau xử lý đạt QCVN 28:2010/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế, cột B Kinh phí vận hành ước tính 285.000.000 đồng/năm. Hàng quý Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Chất thải rắn thông thường Chất thải thông thường không có chứa thành phần nguy hại, khoảng 6000kg/tháng. – Được nhân viên vệ sinh (đội ngũ vệ sinh của bệnh viện có 20 người) thu gom về khu tập kết rác thải của bệnh viện. Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội trang bị 03 thùng chứa rác màu xanh dung tích 60 lít có nắp đậy kín và 2 xe chở rác thải thông thường tại nơi lưu trữ rác tạm thời cùng nhiều thùng đựng rác (khoảng 40 thùng) đặt tại các khoa, phong, hành lang và sân bệnh viện.- Bệnh viện ký hợp đồng với công ty TNHH MTV Môi Trường Đô Thị Hà Nội – Chi nhánh Hai Bà Trưng để vận chuyển và xử lý CTR thông thường.

– Đối với những chất thải tái chế, bệnh viện Ung Bướu Hà Nội kí hợp đồng để bán cho Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ nhựa Kiên Giang

– Chi phí vận chuyển và xử lý ước tính hàng tháng khoảng 12.000.000VND/tháng. Hàng ngày/ hàng tuần Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Chất thải nguy hại Chất thải y tế nguy hại khoảng 2.071 kg/tháng – Nhân viên vệ sinh của Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội thu gom mỗi ngày 2-4 lần từ các phòng khám, phòng điều trị… đến điểm tập kết rác thải y tế nguy hại của bệnh viện.- Treo biển và dán nhãn các loại chất thải nguy hại tại khu vực lưu chứa.

– Phân loại chất thải nguy hại tại nguồn và lưu chứa vào các thùng đặc dụng. Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội trang bị 5 thùng chứa rác nguy hại màu vàng với dung tích 120 lít đặt tại khu chứa rác tạm thời có nắp đậy kín và dán nhãn khác nhau;

– Thuê đơn vị có chức năng vận chuyển và xử lý (Công ty TNHH sản xuất dịch vụ thương mại môi trường xanh).

– Chi phí vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại của Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội là 435.345.000 VND/năm  Hàng ngày/ hàng tuần Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải – Thuê đơn vị có chức năng vận chuyển và xử lý (định kỳ 6 tháng/lần). 6 tháng/lần Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Giám sát an toàn bức xạ – Bức xạ từ quá trình chụp X-quang;- Bức xạ từ quá trình xạ trị – Kiểm định và hiệu chuẩn máy X-quang 6 tháng/lần;- Liều bức xạ cá nhân phải định kỳ đánh giá kết quả ít nhất 3 tháng một lần. Kinh phí ước tính khoảng 25.000.000 VND mỗi năm. 3 tháng/lần Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội


2. Kế hoạch quản lý các vấn đề môi trường không liên quan đến chất thải

Bảng 4-2: Kế hoạch quản lý các vấn đề môi trường không liên quan đến chất thải của Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội trong giai đoạn vận hành

Vấn đề môi trường Biện pháp quản lý/ xử lý Kinh phí dự kiến hàng năm Trách nhiệm thực hiện
Tiếng ồn, độ rung – Thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị máy móc tại Bệnh viện.- Các phòng khám bệnh được thiết kế kín nên hạn chế được tiếng ồn thoát ra ngoài.

– Dán nội quy của Bệnh viện, dán các biển báo hạn chế gây tiếng ồn lớn xung quanh khu vực phòng khám của bệnh viện để nhân viên, bệnh nhân thấy và thực hiện.

Ước tính chi phí khoảng 8.000.000 đồng/năm Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Vệ sinh môi trường – Thường xuyên khử trùng khu vực phòng bệnh để tiêu diệt các mầm bệnh còn sót lại không để lây lan sang người khác, phòng khác, tránh tình trạng phát triển bệnh thành dịch.- Cán bộ, công nhân viên khi tiến hành công tác khám và chữa bệnh cho bệnh nhân phải mang khẩu trang, đeo bao tay, mặc áo blouse.

– Thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, khu vực tập trung chứa chất thải rắn phải được khử trùng bằng Chlorine.

– Để đảm bảo việc khống chế và giảm thiểu mùi hôi, Bệnh viện có đội ngũ chuyên trách công việc rửa dọn, vệ sinh, khử trùng.

– Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội tiến hành thực hiện chế độ vệ sinh định kỳ các máy móc, thiết bị, phương tiện chữa trị, theo dõi sức khoẻ của bệnh nhân.

– Kim tiêm, bơm tiêm, ống truyền dịch được thay mới sau mỗi lần sử dụng.

Một phần trong kinh phí hoạt động của Bệnh viện Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Tai nạn lao động – Trong Bệnh viện phải thiết lập bảng nội quy về an toàn lao động cho mỗi công việc cụ thể.- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các buổi huấn luyện về kỹ thuật an toàn lao động.

– Trang bị đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân viên khi làm việc tại những khâu đòi hỏi độ an toàn cao. Các trang thiết bị bảo hộ lao động có thể kể đến như: kính phòng hộ mắt, mặt nạ chống hơi khí độc, găng tay, khẩu trang, giày ủng, quần áo bảo hộ lao động, thiết bị giảm âm,…

Ước tính chi phí khoảng 5.000.000 đồng/năm Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

3. Kế hoạch ứng phó sự cố

Bảng 4-3: kế hoạch ứng phó sự cố của Bệnh viện ung Bướu Hà Nội

Loại sự cố có thể xảy ra Biện pháp ứng phó Trách nhiệm thực hiện
Sự cố cháy nổ – Bố trí nhân viên thường xuyên kiểm tra các khu vực của Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, khu vực lưu chứa chất dễ cháy, các ổ điện.- Trang bị bình cứu hoả tại khu vực các phòng khám.

– Xây dựng hệ thống báo động cứu hoả tại các phòng khám.

– Dán các biển cảnh báo cháy nổ tại những khu vực dễ xảy ra cháy nổ.

– Trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy như hệ thống họng nước chữa cháy vách tường, hệ thống báo cháy tự động, các bình cữa cháy xách tay, đèn Exit chỉ dẫn thoát nạn

Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Sự cố hư hỏng hệ thống xử lý nước thải – Ngừng ngay hoạt động của hệ thống xử lý nước thải, nhân viên phụ trách hệ thống xử lý nước thải cần báo ngay cho đơn vị kỹ thuật để khắc phục và sửa chữa, đồng thời báo với cơ quan chức năng (phòng TN&MT quận Hai Bà Trưng) được biết.- Nước thải y tế của bệnh viện cần được pha loãng, đưa về bể điều hoà và được xử lý sơ bộ bằng Clo trước khi thải ra môi trường. Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội


4. Kế hoạch quan trắc môi trường

Bảng 4-4: Kế hoạch quan trắc môi trường của Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Nội dung quan trắc Điểm quan trắc Thông số quan trắc Tần suất quan trắc Kinh phí dự kiến Trách nhiệm thực hiện
Môi trường không khí xung quanh (QCVN 05:2013/BTNMT. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh)  05 điểm quan trắc:- 01 điểm ở cổng bệnh viện gần đường Thanh Nhàn;

– 01 điểm ở khu vực TXLNT (gần cổng bệnh viện) );

– 01 điểm ở khu xạ trị(nhà D của bệnh viện);

– 01 điểm cuối hướng gió chủ đạo (gần khu để xe nhà E);

– 01 điểm tại nơi lưu trữ chất thải rắn.

– Bụi lơ lửng, nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí (NO2, SO2, CO); mức ồn (Leq, L10, L90); các yếu tố vi khí hậu: nhiệt độ, độ ẩm không khí, hướng gió, tốc độ gió. 06 tháng/ lần 17.397.000/ đợt quan trắc Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Chất thải lỏng (QCVN 28:2010/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế) – 01 Khu vực cửa xả nước thải y tế sau khi xử lý. – pH; BOD5; COD; TSS; Sunfua, Amoni (tính theo N); Nitrat (tính theo N); PO43- (tổng số); Dầu mỡ động thực vật; Tổng Coliform, Tổng hoạt độ phóng xạ α; Tổng hoạt độ phóng xạ β; Salmonella, Shigella; Vibrio Cholera. 04 tháng/ lần. 

 

 

7.369.000/đợt quan trắc 

 

 

Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội


KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ VÀ CAM KẾT

1.     Kết luận

Đề án Bảo vệ môi trường chi tiết của Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đã nhận dạng được đầy đủ các nguồn có khả năng gây ô nhiễm tới môi trường tự nhiên và xã hội. Các nguồn gây ô nhiễm gồm:

  • Khí thải, bụi, ồn từ các phương tiện ra vào bệnh viện;
  • Mùi sinh ra từ khu vực tập kết rác thải, từ khu vực bếp ăn của Bệnh viện;
  • Mùi sinh ra trong quá trình khám chữa bệnh, tẩy trùng;
  • Bức xạ từ hoạt động của phòng chụp X quang, phòng xạ trị Y học hạt nhân;
  • Nước thải sinh hoạt và nước thải y tế;
  • Rác thải sinh hoạt và rác thải y tế nguy hại;
  • Sự cố cháy nổ;
  • Các vấn đề liên quan đến an toàn lao động, vệ sinh môi trường của Bệnh viện.

Các vấn đề về môi trường tại khu vực Bệnh viện hiện đã được xử lý nghiêm túc, triệt để và đạt các yêu cầu quy định về Môi trường ở thời điểm hiện tại:

  • Rác thải sinh hoạt, y tế nguy hại đều được thu gom, vận chuyển và xử lý theo đúng quy định hiện hành. Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đã có sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.
  • Nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý qua trạm xử lý nước thải của bệnh viện; bệnh viện đã xây dựng và hoạt động trạm xử lý nước thải từ tháng năm 2007 với công suất 600m3/ngày.đêm.
  • Khí thải được quan trắc định kỳ và có các biện pháp xử lý tức thời để đảm bảo chất lượng môi trường không khí tại khu vực Bệnh viện đạt tiêu chuẩn môi trường.
  • Bệnh viện đã được cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy số 275/CNTD-PCCC
  • Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đã được Cục an toàn bức xạ và hạt nhân cấp giấy phép về việc tiến hành công việc bức xạ (Sử dụng nguồn phóng xạ);
  • Bệnh viện đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy phép về việc tiến hành công việc bức xạ (Vận hành thiết bị chiếu xạ dùng trong xạ trị từ xa);
  • Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy phép về việc tiến hành công việc bức xạ (Vận hành thiết bị chiếu xạ trong xạ trị);
  • Bệnh viện Ung Bướu Hà Nôi đã được Sở Khoa học và Công nghệ cấp giấy phép về việc tiến hành công việc bức xạ (Sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán y tế);

Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội có đầy đủ khả năng để ứng phó với tình trạng ô nhiễm môi trường khi có các sự cố xảy ra.

Tuy nhiên, hiện tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiến hành làm hồ sơ xin cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

2. Kiến nghị

Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội kính đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi Trường Hà Nội sớm thông qua Đề án bảo vệ môi trường chi tiết của Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội để cơ sở có căn cứ thực hiện các công tác bảo vệ môi trường tiếp theo.

3. Cam kết

Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội xin cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường về việc thực hiện các biện pháp xử lý chất thải, cam kết xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về môi trường, cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường khác theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Cụ thể như sau:

  • Đối với chất thải lỏng:

+ Cam kết đảm bảo kinh phí vận hành cho trạm xử lý nước thải, đảm bảo chất lượng nước thải sau khi xử lý đạt giới hạn quy chuẩn cho phép QCVN 28:2010/BTNMT cột B; cam kết thực hiện chương trình quan trắc chất thải lỏng hàng năm với tần suất 4 tháng/lần.

+ Cam kết cải tạo hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép QCVN 28:2010/BTNMT cột B trước khi xả thải vào hệ thống thoát nước chung của thành phố trong quý II năm 2016.

  • Đối với chất thải rắn thông thường: Cam kết thu gom, xử lý 100% chất thải rắn thông thường theo Nghị định số 59/2007/NĐ-CP quy định về quản lý chất thải rắn; Cam kết sẽ thuê đơn vị có chức năng và tư cách pháp nhân trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.
  • Đối với chất thải y tế nguy hại: Cam kết thu gom 100% chất thải rắn, quản lý và xử lý chất thải rắn y tế và chất thải rắn nguy hại theo đúng Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại; Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành quy chế quản lý chất thải y tế và duy trì các hợp đồng về việc thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại phát sinh tại Bệnh viện.
  • Đối với chất thải khí: Cam kết xử lý khí thải đạt QCVN 05:2013/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh); Cam kết xử lý tiếng ồn đạt QCVN 26:2010/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn); Cam kết thực hiện chương trình quan trắc môi trường không khí hàng năm với tần suất 6 tháng/lần.

Ngoài ra, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội cam kết:

  • Cam kết hoàn thành thủ tục đăng ký cấp giấy phép xả nước thải vào lưu vực nguồn nước theo quy định trong quý I năm 2015. Cam kết hoàn thành việc đăng kí cấp lại sổ chủ nguồn thải CTNH 2 tháng ngay sau khi Đề án Bảo vệ môi trường chi tiết tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội được phê duyệt.

– Cam kết đền bù và khắc phục ô nhiễm môi trường trong trường hợp để xảy ra các sự cố trong quá trình triển khai xây dựng và hoạt động của cơ sở. Cam kết tuân thủ theo Nghị định 179:2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

  • Cam kết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để giải quyết, xử lý triệt để và toàn diện những nguồn, yếu tố gây ô nhiễm tới môi trường và báo cáo định kỳ với Sở Tài nguyên, Môi trường Hà Nội về hoạt động quan trắc môi trường.
  • Cam kết sau khi hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, của cơ sở sẽ nộp hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận việc thực hiện Đề án bảo vệ môi trường chi tiết của cơ sở đến cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án BVMT chi tiết để tiến hành kiểm tra và xem xét xác nhận việc thực hiện trong tháng 10 năm 2015.
  • Cam kết làm thủ tục gia hạn Giấy phép hoạt động của cơ sở X quang y tế; Giấy phép tiến hành công việc bức xạ (sử dụng chất phóng xạ) khi hết hạn.