ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

ĐƠN VỊ NÀO CẦN ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG (ĐTM)

Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường bao gồm:

  • Dự án đầu tư nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
  • Dự án đầu tư nhóm II quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28 của Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020.

Đối tượng quy định trên thuộc dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.

THỰC HIỆN ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

Theo quy định tại Điều 31 của Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020, việc thực hiện đánh giá tác động môi trường được quy định sau đây:

  • Đánh giá tác động môi trường do chủ dự án đầu tư tự thực hiện hoặc thông qua đơn vị tư vấn có đủ điều kiện thực hiện. Đánh giá tác động môi trường được thực hiện đồng thời với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án;
  • Kết quả đánh giá tác động môi trường được thể hiện bằng báo cáo đánh giá tác động môi trường;
  • Mỗi dự án đầu tư lập một báo cáo đánh giá tác động môi trường.

CẤP THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT

Theo quy định tại Điều 35, Luật Bảo vệ môi trường 17 tháng 11 năm 2020 (Luật 72/2020/QH14), tùy thuộc vào đối tượng, quy mô dự án, thẩm quyền tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định như sau:

  • Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư sau đây, trừ dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật 72/2020/QH14:
  • a) Dự án đầu tư nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật 72/2020/QH14;
  • b) Dự án đầu tư nhóm II quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28 của Luật 72/2020/QH14 thuộc thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; dự án đầu tư nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; dự án đầu tư nằm trên vùng biển chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; dự án đầu tư thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản, cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cấp giấy phép nhận chìm ở biển, quyết định giao khu vực biển của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
  • Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh.
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư trên địa bàn, trừ đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án phải thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình.

NỘI DUNG BÁO CÁO ĐTM

Theo quy định tại Phụ lục II – mẫu số 04, TT02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022, quy định về mẫu cấu trúc và nội dung cụ thể báo cáo đánh giá tác động môi trường như sau:

  • MỞ ĐẦU
  • CHƯƠNG I: MÔ TẢ TÓM TẮT DỰ ÁN. Nêu rõ ràng, chi tiết về các hạng mục công trình của dự án; nguyên vật liệu, hóa chất trong các giai đoạn xây dựng, sản xuất, vận hành; Công nghệ sản xuất vận hành; Các công trình và biện pháp bảo vệ MT của dự án…
  • CHƯƠNG II: ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ – XÃ HỘI VÀ HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG KHU VỰC THỰC HIỆN DỰ ÁN. Tóm tắt điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội khu vực dự án; Đo đạc, lấy mẫu phân tích, đánh giá hiện trạng môi trường đất, nước, không khí, trầm tích,…Đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học; Liệt kê mô tả các đối tượng bị tác động và các yếu tố nhạy cảm về môi trường khu vực thực hiện dự án; thuyết minh, mô tả sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án.
  • CHƯƠNG III: ĐÁNH GIÁ, DỰ BÁO TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CỦA DỰ ÁN VÀ ĐỀ XUẤT CÁC BIỆN PHÁP, CÔNG TRÌNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ỨNG PHÓ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG.
  • Việc đánh giá tác động của dự án đến môi trường được thực hiện theo các giai đoạn triển khai thi công xây dựng dự án và khi dự án đi vào vận hành và phải được cụ thể hóa cho từng nguồn gây tác động, từng đối tượng bị tác động. Các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường đề xuất thực hiện phải phù hợp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đối với từng tác động đã được đánh giá.
  • Đối với dự án mở rộng quy mô, nâng công suất hoặc thay đổi công nghệ của cơ sở, khu công nghiệp đang hoạt động phải đánh giá tổng hợp tác động môi trường của cơ sở, khu công nghiệp cũ và dự án mở rộng quy mô, nâng công suất hoặc thay đổi công nghệ của dự án mới.
  • CHƯƠNG IV: PHƯƠNG ÁN CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG, PHƯƠNG ÁN BỒI HOÀN ĐA DẠNG SINH HỌC (Chỉ yêu cầu đối với các dự án khai thác khoáng sản, dự án chôn lấp chất thải, dự án có phương án bồi hoàn đa dạng sinh học).
  • Phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với dự án khai thác khoáng sản thể hiện chi tiết các nội dung sau: Lựa chọn phương án cải tạo, phục hồi môi trường; nội dung cải tạo, phục hồi môi trường; kế hoạch thực hiện; Dự toán kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường.
  • Phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với dự án chôn lấp chất thải thể hiện chi tiết các nội dung sau: Lựa chọn phương án cải tạo môi trường; nội dung cải tạo môi trường; kế hoạch thực hiện; Dự toán kinh phí cải tạo môi trường.
  • Phương án bồi hoàn đa dạng sinh học (nếu có)
  • CHƯƠNG V: CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ VÀ GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG. Tổng hợp Chương trình quản lý môi trường; Xây dựng chương trình giám sát môi trường cho các giai đoạn (1) Thi công xây dựng, (2) Dự kiến khi vận hành và (3) Cải tạo phục hồi môi trường (đối với dự án khai thác khoáng sản, chôn lấp chất thải).
  • CHƯƠNG VI: KẾT QUẢ THAM VẤN.Tóm tắt về quá trình thực hiện và kết quả tham vấn cộng đồng; Tham vấn chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức chuyên môn (theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).
  • KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ VÀ CAM KẾT

LỆ PHÍ THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT ĐTM

Theo Thông tư số 56/2018/TT-BTC ngày 25/06/2018 do Bộ tài chính ban hành. Đối với các dự án có báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định có biểu mức thu phí thẩm định và phê duyệt ĐTM như sau:

  • Nhóm 1. Dự án công trình dân dụng.
  • Nhóm 2. Dự án hạ tầng kỹ thuật (trừ dự án giao thông).
  • Nhóm 3. Dự án nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi.
  • Nhóm 4. Dự án giao thông.
  • Nhóm 5. Dự án công nghiệp.
  • Nhóm 6. Dự án xử lý chất thải và cải thiện môi trường và các Dự án khác (không thuộc nhóm 1, 2, 3, 4, 5 nêu trên).
  • Đối với các dự án thuộc từ 02 nhóm trở lên thì áp dụng mức phí của nhóm có mức thu cao nhất./.

Đối với các dự án có báo cáo ĐTM do cơ quan cấp tỉnh thực hiện thẩm định, mức thu phí do địa phương quy định.

QUY TRÌNH LẬP, THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT ĐTM

Lập báo cáo ĐTM được thực hiện theo quy trình sau:

  • Bước 1: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ tài liệu từ dự án;
  • Bước 2: Khảo sát khu vực thực hiện dự án, thu thập mẫu môi trường, sinh thái (nếu có);
  • Bước 3: Thiết lập và chạy mô hình toán; tham vấn tính chuẩn xác của mô hình (nếu có);
  • Bước 4: Dự thảo báo cáo ĐTM;
  • Bước 5: Tham vấn chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức chuyên môn (theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP);
  • Bước 6: Tham vấn cộng đồng (nếu có);
  • Bước 7: Chỉnh sửa báo cáo ĐTM theo ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức chuyên môn, cộng đồng;
  • Bước 8: Nộp hồ sơ xin phê duyệt báo cáo ĐTM tại cơ quan thẩm định và phê duyệt;
  • Bước 9: Hội đồng thẩm định ĐTM khảo sát thực tế khu vực dự án; lấy ý kiến tổ chức, chuyên gia; họp chuyên gia theo chuyên đề (theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP);
  • Bước 10: Trình bày báo cáo ĐTM tại cuộc họp Hội đồng thẩm định;
  • Bước 11: Hoàn thiện báo cáo ĐTM theo ý kiến hội đồng (nếu có) và nộp lại cơ quan thẩm định và phê duyệt.
  • Bước 12: Phê duyệt ĐTM.

NĂNG LỰC CỦA VIECA

Trong những năm qua, VIECA đã hoàn thành hàng trăm ĐTM cho các dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp, Khu đô thị, Cảng biển, Các nhà máy, Cơ sở sản xuất, Tòa nhà văn phòng, Bệnh viện, Nhà máy xử lý chất thải, Cơ sở chăn nuôi, Khai thác khoáng sản, Nạo vét, v.v..

CÁC NHIỆM VỤ LẬP BÁO CÁO ĐTM ĐÃ THỰC HIỆN BỞI VIECA XEM THÊM TẠI ĐÂY